Tham gia kháng Uy viện Triều Trần_Lân

Lân có mưu lược, giỏi nắm binh, nhưng có tính tham ô, cứ bị hặc rồi chịu lột quan chức. Lân bị phế đã lâu, quan viên trong triều phần nhiều tiếc tài năng của ông, nhưng không dám tiến cử. Năm thứ 20 (1592), chiến tranh nổ ra ở Triều Tiên, triều đình cho rằng Lân quen thuộc tính hình của người Nhật, mệnh ông thiêm chú [8], làm Thần Cơ 7 doanh tham tướng, đến nhận chức thì được đổi làm Thần Xu hữu phó tướng. Không lâu sau, Lân được cất nhắc làm Thự Đô đốc thiêm sự, sung chức Phó tổng binh quan, Hiệp thủ Kế Trấn [9]. Tháng giêng ÂL năm sau (1593), triều đình giáng chiếu lấy Lân giữ bản quan để thống lãnh quân đội của Kế, Liêu, Bảo Định, Sơn Đông, phòng ngự Uy khấu và bảo vệ biển. Bấy giờ quân Nhật tạm rút khỏi Triều Tiên, có người thừa dịp nhắc lại tội danh cũ của Lân là "phong cống" (phong tỏa cống vật từ địa phương gởi lên cho hoàng đế), bàn rằng không thể trọng dụng ông, triều đình tạm hưu binh, đổi Lân làm Hiệp thủ Chương, Triều. Lân hối lộ Thạch Tinh, bị ông ta tố cáo, lại chịu bãi chức về nhà [10].

Năm thứ 25 (1597), hòa đàm giữa 2 nước Minh – Nhật thất bại, triều đình khởi dùng Lân, cho ông nhận chức cũ, thống lãnh 5000 binh Quảng Đông cứu viện Triều Tiên. Tháng 2 ÂL năm sau (1598), Lâm được cất nhắc làm Ngự Uy tổng binh quan, cùng Ma Quý, Lưu Đinh đều làm tướng. Binh sĩ của Lân đến Sơn Hải quan gây huyên náo, khiến ông chịu khiển trách. Sau đó Lân nhận lệnh làm Đề đốc thủy quân, cùng Quý, Đinh với Đổng Nhất Nguyên chia đường tiến quân; bọn Phó tướng Trần Tàm, Đặng Tử Long, Du kích Mã Văn Hoán, Quý Kim, Trương Lương Tướng chịu sự chỉ huy của ông, binh có hơn 13,000 người, chiến hạm có vài trăm; chia ra phân bố ở các hải khẩu của Trung Thanh (Chungcheong), Toàn La (Jeolla), Khánh Thượng (Gyeongsang).

Ban đầu, quân Nhật đi lại trên biển, cậy quân Minh ít thuyền, tỏ ra nghênh ngang. Đến nay người Nhật thấy thủy quân của Lân, không dám hành quân trên biển như trước nữa. Gặp lúc Thái cáp (太閤) Phong Thần Tú Cát (Hideyoshi Toyotomi) mất, người Nhật muốn rút lui, Lân gấp sai Đặng Tử Long hiệp với danh tướng Triều Tiên là Lý Thuấn Thần đón đánh thủy quân Nhật ở Lộ Lương giác (mũi Noryang). Tử Long và Thuấn Thần đều tử trận, nhưng cánh quân của bọn Trần Tàm, Quý Kim đến kịp để tham chiến. Quân Nhật không còn tinh thần chiến đấu nên đại bại, mất hàng trăm thuyền, những người bơi vào bờ bị liên quân giết chết, chết cháy trên thuyền và chết đuối dưới biển lên đến hàng vạn. Bấy giờ Lưu Đinh đang giao chiến với tướng Nhật là Tiểu Tây Hành Trường (Konishi Yukinaga), Hành Trường chạy vào thành Thuận Thiên (Suncheon); Lân đem thủy quân đến giáp kích, lại đốt hơn trăm thuyền địch. Đảo Tân Nghĩa Hoằng (Shimazu Yoshihiro) [11] từ phía tây đến cứu viện Hành Trường, Lân đón đánh hắn ta ở giữa biển, giết hơn 300 tên địch.

Một cánh quân Nhật lui về giữ Cẩm Sơn (Geumsan), sau đó vượt biển trốn vào Ất Sơn (chưa rõ ở đâu). Ất Sơn có vách đứng cheo leo, đường sá hiểm trở, tướng sĩ nhà Minh không dám tiến. Lân trong đêm thâm nhập, vây hang động của quân Nhật. Gần sáng, Lân cho nổ pháo, khiến quân Nhật cả sợ, chạy ra hậu sơn, dựa vào chỗ cao để kháng cự. Tướng sĩ nhà Minh liều chết tấn công, quân Nhật bỏ trốn; Lân chia đường truy kích, không ai chạy thoát.[12]

Luận công cứu viện Triều Tiên, Lân đứng đầu, Lưu Đinh xếp sau, Ma Quý xếp sau nữa; ông được tiến làm Đô đốc đồng tri, thế ấm Chỉ huy thiêm sự.